Ngày 04 tháng 5 năm 2025, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là một sự đột phá về thể chế, một bước ngoặt lịch sử để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bứt phá.
Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, giữ vai trò nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đưa đất nước thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, vươn lên phát triển thịnh vượng, Nghị quyết xác định 05 mục tiêu từ nay đến năm 2030, trong đó phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu;đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á. Đến năm 2045, kinh tế tư nhân phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế; có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế; đóng góp khoảng trên 60% GDP.
Để thực hiện các mục tiêu và tầm nhìn đến năm 2030 nêu trên, Nghị quyết đặt ra các nhiệm vụ giải pháp cơ bản sau:
1. Đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân
2. Đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân: đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách; bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân; tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.
3. Tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao: tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho kinh tế tư nhân; đẩy mạnh và đa dạng hoá nguồn vốn cho kinh tế tư nhân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân.
4. Thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân
5. Tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI
6. Hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu
7. Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh
8. Đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nhân tham gia quản trị đất nước: xây dựng đội ngũ doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh, trung thực, thanh liêm, trách nhiệm xã hội, gắn với bản sắc dân tộc, tiếp cận tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới, mang trong mình khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, thịnh vượng. Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Đánh giá doanh nghiệp tư nhân theo chuẩn quốc tế dựa trên các tiêu chí cốt lõi về: (i) Mức độ tuân thủ pháp luật; (ii) giải quyết công ăn việc làm; (iii) đóng góp vào ngân sách nhà nước và (iv) tham gia các hoạt động an sinh xã hội.
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội. Tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nhân, doanh nghiệp điển hình, tiên tiến, kinh doanh hiệu quả, bền vững, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động vì cộng đồng. Huy động đội ngũ doanh nhân xuất sắc, có tâm, có tầm tham gia quản trị đất nước. Thiết lập mối quan hệ giữa các cấp uỷ đảng, chính quyền với doanh nghiệp chặt chẽ, thực chất, chia sẻ, cởi mở, chân thành, trong đó các cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động, tận tuỵ giải quyết các vấn đề vướng mắc cho doanh nghiệp tư nhân theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; đồng thời phát huy vai trò góp ý, phản biện chính sách của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trung thực, kịp thời, đúng bản chất các vấn đề khó khăn, vướng mắc; nghiêm cấm việc thao túng, trục lợi chính sách, lợi dụng, làm tha hoá cán bộ, công chức.
Về phía mình, doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, năng động, sáng tạo, giữ vững bản lĩnh, nuôi dưỡng ý chí, khát vọng, không ngừng học hỏi, nâng cao năng lực, phẩm chất, trình độ, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, nỗ lực phấn đấu vươn lên, làm giàu chính đáng và đóng góp cho quê hương, đất nước. Không ngừng củng cố, nâng cao vai trò, chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, doanh nhân để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân; tham gia xây dựng, phản biện và giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước.